1. Phân loại giấy thấm dầu
Hiện nay trên thị trường đang có 2 loại thấm dầu: giấy thấm dầu và phim thấm dầu. Giấy thấm dầu được làm bằng sợi cellulose có khả năng thấm hút dầu. Giấy thấm dầu hiện nay đã có loại có chứa phấn bột, vừa giúp các bạn thấm dầu, vừa giúp dặm lại lớp phấn trang điểm. Phim thấm dầu được làm từ polymer vi xốp có bổ sung một số chất phụ gia đặc trưng của nhà sản xuất. Phim thấm dầu sẽ dai hơn, mềm hơn giấy thấm dầu, đồng thời khả năng thấm dầu cũng được đánh giá cao hơn giấy thấm dầu.
2. Tác dụng của giấy thấm dầu
Như chính tên gọi của nó, giấy/phim thấm dầu dùng để hút dầu thừa trên da, để lại lớp da khô thoáng. Nếu như bạn không thấm dầu thừa đi, lớp dầu trên da sẽ có thể gây bí tắc lỗ chân lông, đồng thời da bạn sẽ rất dễ bám bụi từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây nên mụn.
3. Cách sử dụng giấy thấm dầu đúng cách
Khi sử dụng giấy thấm dầu, bạn đặt miếng giấy thấm dầu giữa ngón giữa và ngón áp út sau đó chấm nhẹ lên vùng da bị dầu tầm 3-5 giây. Khi bạn muốn thay đổi vùng da thấm dầu, bạn hãy nhấc miếng giấy thấm dầu lên, tránh miết/kéo giấy thấm dầu khiến cho lớp trang điểm bị xê dịch đồng thời lây lan vi khuẩn.
Nhiều bạn có thói quen chà giấy thấm dầu lên mặt vì nghĩ rằng như thế sẽ giúp bạn hút dầu thừa hiệu quả hơn. Tuy nhiên cách làm đó sẽ khiến cho da bạn mất đi độ ẩm tự nhiên, gây nên tình trạng da khô và thậm chí là bong tróc nhẹ, từ đó kích thích dầu tiết nhiều hơn. Hãy nhớ phải thật nhẹ nhàng khi thấm dầu nhé.
4. Các lưu ý khi sử dụng giấy thấm dầu
- Các bạn da mụn không nên sử dụng giấy thấm dầu bởi khi thấm dầu các bạn sẽ vô tình lây lan vi khuẩn gây mụn cho các vùng da khác. Tuy nhiên, nếu mụn của bạn chỉ ở vùng da nhỏ, bạn có thể sử dụng giấy thấm dầu (hãy nhớ hết sức cẩn thận và tránh vùng bị mụn nhé).
- Không tái sử dụng giấy thấm dầu.
- Các bạn da nhạy cảm không nên sử dụng dạng giấy thấm dầu có phấn bởi rất có thể da bạn không phù hợp với loại phấn bột đó, từ đó gây kích ứng cho làn da.
- Sau khi thấm dầu, bạn hãy cố gắng uống nhiều nước hoặc sử dụng xịt khoáng để cấp ẩm cho da, giúp hạn chế lượng dầu tiết ra sau đó. Bạn có thể đọc Băn khoăn từ da dầu nhờn: xịt khoáng liệu có cần thiết? để biết tác dụng của xịt khoáng với làn da của bạn
Hi vọng qua bài viết trên các bạn sẽ biết cách thoát khỏi “cơn ác mộng” mang tên dầu nhờn bằng giấy thấm dầu một cách hiệu quả và an toàn để làn da được khô thoáng mọi lúc mọi nơi nhé!